Tuesday, May 1, 2018

Vitamin PP



Thông tin cơ bản về Vitamin PP


Vitamin PP là Vitamin nhóm B rất thông dụng còn được gọi là vitamin B3. Thành phần hoạt chất là acid nicotinic (niacin) hoặc nicotinamide (dạng amide của acid nicotinic).
Khi bị viêm miệng, viêm da... chúng ta thường được các bác sĩ kê đơn thuốc có Vitamin PP.
Khi cơ thể không được cung cấp đủ Vitamin PP sẽ gây ra bệnh pellagra, là một bệnh có các triệu chứng viêm da, bệnh Aptha (ap-tơ), suy nhược cơ thể.
Vitamin PP có trong các nguồn thực phẩm như: thịt, cá, sữa, trứng, rau xanh, ngũ cốc… với nhu cầu hàng ngày là 14 - 18mg. Tuy nhiên, ở một số ngũ cốc như ngô, Vitamin PP ở dạng liên kết khó hấp thu. Nên các dân tộc dùng ngô làm lương thực chính hay mắc bệnh Pellagra là một bệnh do cơ thể thiếu hụt Vitamin PP với các triệu chứng: viêm da ở vùng không che phủ, tiêu chảy, suy nhược cơ thể.

Nhóm Dược lý: Vitamin và Khoáng chất.
Tên biệt dược: Vitamin PP.
Tên gốc: Nicotinamide.
Dạng bào chế:Viên nén.
Thành phần:
Nicotinamide 500mg.
Tá dược kèm theo cho đủ 1 viên: Lactose, Microcrystalline cellulose, Povidone, Magnesium stearate, Sodium starch glycolate, Methacrylic acid copolymer, Hydroxypropylmethylcellulose, Màu Erythrosine, Màu Sunset yellow, Titanium dioxide, Talc, Polyethylene glycol 6000, Ethanol 96%.
Dược động học:
Nicotinamide là Vitamin nhóm B, được tạo từ acid nicotinic có trong cơ thể và từ sự oxy hóa một phần Tryptophan có trong thức ăn.
Trong cơ thể, Nicotinamide được chuyển hóa thành Nicotinamide Adenin Dinucleotide (NAD) hoặc Nicotinamide Adenin Dinucleotide Phosphate (NADP) xúc tác phản ứng oxy hóa - khử, cần thiết cho hô hấp tế bào, phân giải glycogen và chuyển hóa lipid.
Dược lực:
Nicotinamide được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, chuyển hóa ở gan thành N - methylnicotinamide, các dẫn chất 2 - pyridone, 4 - pyridone và nicotinuric, bài tiết qua nước tiểu ở dạng không đổi.
Tác dụng:
Nicotinamid trong cơ thể chuyển thành nicotinamid adenin dinucleotid (NAD) hoặc chuyển hóa thành nicotinamid adenin dinucleotid phosphat (NADP) đóng vai trò sống còn trong chuyển hóa như một Co-enzym (các co-enzym này là phân tử vận chuyển hydro) xúc tác phản ứng oxy hóa - khử cần thiết cho hô hấp của tế bào, phân giải glycogen và chuyển hóa lipid.
Chỉ định:
Phòng ngừa và điều trị bệnh Pellagra.
Các rối loạn tiêu hóa và phối hợp thuốc điều trị rối loạn thần kinh.
Tăng lipid máu, tăng Cholesterol và phối hợp thuốc điều trị xơ vữa động mạch.
Chống chỉ định:
Không dùng cho người mẫn cảm với Vitamin PP (Nicotinamide) và thành phần của thuốc.
Không chỉ định trong một số bệnh: Bệnh gan nặng, loét dạ dày tiến triển, xuất huyết động mạch, hạ huyết áp nặng.
Thận trọng lúc dùng:
Thận trọng khi sử dụng Nicotinamide liều cao cho những trường hợp sau: Bệnh túi mật, tiền sử vàng da hoặc bệnh gan, bệnh đái tháo đường, bệnh gút, tiền sử loét dạ dày. 
Người lái xe, vận hành máy móc. 
Có thai và cho con bú:
Thông thường bác sĩ vẫn khuyên các bà mẹ đang cho con bú không nên uống thuốc. Chính vì vậy người mẹ sẽ phải thật cân nhắc việc dùng thuốc khi đang cho con bú.
Tương tác thuốc:
Cần điều chỉnh liều lượng thuốc uống hạ đường huyết hoặc insulin khi sử dụng đồng thời với Nicotinamide ở bệnh nhân bị tiểu đường. 
Không nên phối hợp với chất ức chế men khử HGM - CoA, Carbamazepine, các thuốc trị cao huyết áp, các thuốc có độc tính với gan. 
Tác dụng phụ:
Liều nhỏ Vitamin PP (Nicotinamide) thường không gây độc. 
Liều cao có thể xảy ra một số tác dụng phụ, tuy nhiên sau sau khi ngừng thuốc sẽ hết.
- Thường gặp: buồn nôn, đỏ bừng mặt và cổ, ngứa, cảm giác rát bỏng, buốt hoặc đau nhói ở da. 
- Ít gặp: loét dạ dày tiến triển, nôn, chán ăn, đau khi đói, đầy hơi, tiêu chảy, khô da, tăng sắc tố, vàng da, suy gan, giảm dung nạp glucose, tăng tiết tuyến bã nhờn, tăng glucose huyết, tăng uric huyết, đau đầu và nhìn mờ, hạ huyết áp, tim đập nhanh, ngất, chóng mặt, ... 
Hiếm gặp: lo lắng, glucose niệu, chức năng gan bất thường, thời gian prothrombin bất thường, hạ albumin huyết, choáng phản vệ, …
Liều lượng và cách dùng:
Phòng bệnh: 50-200 mg/24h. 
Điều trị: 200-500 mg/24h (Đối với người lớn: uống 1 viên/lần, ngày 1 - 3 lần. Không quá 3 viên/ngày).
Quá liều:
Dùng liều cao điều trị bệnh Pellagra, có thể xảy ra một số tác dụng phụ như: buồn nôn, đỏ bừng mặt ở cổ, ngứa, cảm giác rát bỏng, buốt hoặc đau nhói ở da... hoặc loét dạ dày tiến triển, chán ăn, đau khi đói, đầy hơi hoặc khô da, tăng sắc tố, vàng da... Những tác dụng phụ này sẽ hết sau khi ngừng thuốc.
Khi quá liều xảy ra, chưa có biện pháp giải độc đặc hiệu. Sử dụng các biện pháp thông thường như gây nôn, rửa dạ dày, điều trị triệu chứng và hỗ trợ.
Bảo quản:
Nơi khô (độ ẩm ≤ 70%), nhiệt độ ≤ 30oC, tránh ánh sáng.
Đóng gói
Vỉ 10 viên bao phim. Hộp 10 vỉ.
Chai 100 viên bao phim.

*** Lưu ý khi sử dụng Vitamin PP:
Với thuốc điều trị cao huyết áp:  Vitamin PP là thuốc gây giãn mạch có thể gây hiện tượng đỏ bừng mặt và hạ huyết áp. Vì vậy, tránh phối hợp vitamin PP với thuốc điều trị cao huyết áp vì có thể gây ra hạ huyết áp quá mức.
Với thuốc hạ đường huyết: Vitamin PP phân giải glycogen nên làm tăng đường huyết. Do đó người mắc bệnh đái tháo đường cần lưu ý điều chỉnh liều dùng khi phối hợp với Vitamin PP.
Nhóm thuốc statin (nhóm ức chế men khử HGM-CoA: như thuốc Simvastatin, Lovastatin...) khi kết hợp với vitamin PP có thể làm gia tăng nguy cơ gây tiêu cơ vân (rhabdomyolysic).
Nhóm thuốc kết hợp acid mật: (như thuốc Colestipol, Colesevelan, Cholestyramin…) Vitamin PP sẽ làm giảm tác dụng, nên cần lưu ý phải dùng cách xa với các thuốc này.
Nên tránh dùng chung với các thuốc gây độc tính ở gan: Vitamin PP với liều dùng >3g mỗi ngày ở người lớn sẽ gây độc tính trên gan. Nên tránh kết hợp Vitamin PP với các thuốc gây độc tính ở gan.
Nên tránh dùng chung với Carbamazepin (thuốc chống động kinh): Vitamin PP làm tăng nồng độ Carbamazepin, dẫn đến làm tăng độc tính cho cơ thể.
Nên tránh dùng chung với các thuốc chống đông máu (anticoagulants): nên tránh kết hợp, do Vitamin PP làm tăng tác dụng của thuốc, gia tăng nguy cơ gây chảy máu.
Nên tránh dùng chung với thuốc kháng sinh tetracyclin: nên tránh dùng đồng thời, do Vitamin PP làm giảm sự hấp thu và hiệu quả của thuốc.
Nên tránh dùng chung với thuốc Isoniazid (INH) là một thuốc điều trị bệnh lao, INH làm giảm acid nicotinic trong cơ thể. Do đó cần lưu ý bổ sung Vitamin PP bằng chế độ dinh dưỡng đầy đủ hoặc bằng thuốc trong quá trình điều trị lâu dài với INH.
Nên tránh dùng chung với người mắc bệnh gút: Vitamin PP ở liều cao làm giảm thải trừ acid uric. Vì vậy, cần phải thận trọng khi sử dụng liều cao Vitamin PP cho người có tiền sử mắc bệnh gút.

Tóm lại: Với thông tin thuốc trên hy vọng giúp ít cho bạn!

Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: